Skip to content

Do thái giáo

August 14, 2012

Do thái giáo

Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 20 triệu tín hữu, riêng ở Pháp có 650.000 người theo Do thái giáo. Đức tin này đã được dân Do thái, một dân tộc nhỏ bé ở Trung đông, dần dần xác định rõ hơn trong khoảng gần mười ba thế kỷ.

+ Tóm tắt lịch sử dân Israen

Định mệnh của dân Israen là một định mệnh có tính cách tôn giáo. Thiên Chúa đã mở đường cho định mệnh này.

Chính Thiên Chúa đã lập nên dân tộc Do thái. Người chọn ông Ápraham vào năm 1850 trước thời Đức Giêsu Kitô, Người đòi ông rời xứ Ua ở Canđê và chỉ được tin vào một mình Người thôi (độc thần). Từ Ápraham, Người lập nên một dân tộc gồm vô số các miêu duệ: Israen là người con mà ông không hề hy vọng nhưng đã được hứa ban. Thiên Chúa của dân Do thái chính là Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và của Giacóp.

Chính Thiên Chúa đã ban cho dân Người một Hiến pháp. Người chọn Môsê vào năm 1250 trước thời Đức Giêsu Kitô. Sau những cuộc phiêu lưu của ông Giuse, dân Do thái đã định cư ở Ai cập. Khi dân bị ngược đãi, ông Môsê đã đưa họ ra khỏi Ai cập. Đó là cuộc xuất hành. Sau khi vượt qua Biển đỏ, một giao kèo đã được ký kết tại núi Xinai. Lời Giao ước đầu tiên này đúng là một khế ước nói lên sự lệ thuộc vào Thiên Chúa của họ. Đức Giavê – là một danh xưng khác của Thiên Chúa trong Thánh kinh – nhắc lại lời mình đã hứa với Ápraham; đổi lại, dân Do thái hứa tuân phục Người: họ sẽ tuân giữ 10 lệnh truyền được khắc trên bia luật. Đám đông hỗn tạp trong cuộc xuất hành đã được tổ chức thành 12 chi tộc Israen.

Chính Thiên Chúa ban cho dân Do thái một lãnh thổ. Sau 40 năm lưu lạc trong sa mạc, ông Giosuê tiến vào vùng đất hứa tại Giêrikhô. Dưới sự hướng dẫn của các thủ lãnh, là các Thẩm phán – như Samson, v.v… – dân Israen đã phải chinh phục và bình định xứ Canaan. Các vua đã hoàn thành công cuộc này. Vào năm 1.000 trước thời Đức Giêsu Kitô, một vị vua vĩ đại là Đavít tiến chiếm Giêrusalem và lập kinh đô tại đó. Con của ông là Salômon đã xây đền thờ tại Giêrusalem, niềm tự hào của người Do thái.

Sau khi Salômon băng hà, xảy ra một cuộc phân ly vào năm 931 trước thời Đức Giêsu Kitô, lần lượt cả 2 vương quốc phía bắc lẫn phía nam bị xâm lăng và dân chúng bị lưu đày. Thế nhưng về phần Thiên Chúa, Người vẫn luôn trung thành. Người làm dấy lên những người của Chúa, là các ngôn sứ, có nhiệm vụ nhắc lại các yêu sách của giao ước. Trước thời lưu đày ở Babilon, có các ngôn sứ Isaia và Giêrêmia; trog thời lưu đày, có Êdêkien. Họ bảo tồn và tinh lọc lý tưởng tôn giáo; họ lập thành một nhóm người ưu tuyển về mặt thiêng liêng sẵn sàng đón tiếp Đấng Mêsia.

Vào năm 538 trước Đức Giêsu Kitô, khi từ xứ lưu đày trở về, dân Do thái đã liên tục bị người Ba tư, người Hy lạp và sau cùng, người Rôma đô hộ, vào năm 65 trước Đức Giêsu Kitô. Chính trong thời gian bị người Rôma đô hộ mà một ngày kia, vào khoảng năm 6 trước Công nguyên, một người xứ Nadarét tên là Giêsu đã ra đời, chính Người sẽ làm đảo lộn thế giới.

Kinh thánh của người Do thái – tức là Cựu ước gồm 24 cuốn sách (1) – được các tác giả viết ra trong suốt lịch sử của Israen, nhắc lại sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa độc nhất trong vũ trụ và trong lịch sử. Đây là cuốn sách căn bản của người Do thái. Qua các sự tích, các nghĩa cử anh hùng, các châm ngôn khôn ngoan, các ẩn dụ, các kinh nguyện hay các dụ ngôn, sách này trình bày các vấn đề chính yếu của cuộc sống và sự chết, của sự thiện và sự dữ, của nghi nan và hy vọng, của đau khổ và cứu độ.

+ Do thái giáo trong hiện tại

Đạo Do thái vẫn giữ nguyên như thời trước Đức Kitô. Họ tin vào một Thiên Chúa độc nhất, thưởng phạt ở đời sau. Họ tuân theo 10 điều răn đã được Chúa ban trên núi Xinai; và tuân theo lề luật. Họ trông đợi Đấng Mêsia. Họ mừng lễ Vượt qua với thịt chiên và bánh không men để kỷ niệm ngày được giải thoát khỏi Ai cập. Họ nghỉ ngơi và mừng ngày Sabát tại hội đường có chứa sách Torah – là sách luật Môsê và Ngũ thư, tức là 5 cuốn đầu tiên của bộ Thánh kinh, ghi chép luật ấy. Yom Kippour là ngày đại xá. Họ cầu nguyện với nhau trong gia đình vào các dịp kỷ niệm những biến cố lớn trong cuộc đời như cắt bì, cưới hỏi hay tang chế.

+ Do thái giáo mang lại cho ta điều gì?

Hội thánh Công giáo nhìn nhận rằng người Do thái là anh của chúng ta trong đức tin. Kitô giáo đâm rễ sâu trong đạo Do thái, và các Kitô hữu không việc gì mà chối bỏ các bậc tiền bối của mình. Chính từ nơi Do thái giáo mà Kitô giáo có được bộ sách Cựu ước, là các Lời Chúa hứa. Chính Đức Kitô cũng đã được sinh ra do một phụ nữ Do thái là Đức Trinh Nữ Maria. Các Tông đồ, là nền móng và là rường cột của Hội thánh, cùng với một số đông môn đệ loan Tin mừng của Đức Giêsu cho thế giới, đều xuất thân từ dân Do thái. Thánh Phaolô luôn hãnh diện vì được thuộc về nòi giống này.

Không được bắt toàn thể người Do thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Chính vì tội lỗi của mọi người mà Đức Giêsu đã chịu khổ nạn và chịu chết trên thập giá.

Đại đa số người Do thái không chấp nhận sách Tin mừng, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Tuy vậy, Chúa vẩn rất yêu thương họ và không ngừng ban ơn cũng như không ngừng kêu gọi họ, như Công đồng đã nói.

Hội thánh luôn phản đối các sự ngược đãi mà người Do thái phải gánh chịu trong suốt lịch sử, dù do bất kỳ ai gây ra.

Cả người Kitô hữu lẫn người Do thái đều được kêu gọi hãy vượt qua sự nghi kỵ để tìm gặp nhau và nhìn ra những kho tàng chung. Đó chính là ý nghĩa cuộc thăm viếng lịch sử của Đức thánh cha Gioan Phaolô II tại hội đường Rôma ngày 13.4.1986, tại đó ngài đã tuyên bố với cộng đồng Do thái giáo rằng: “Các bạn là những người anh em mà chúng tôi quý mến nhất” (Doc. Cath., số 1917).

Tác giả: Jacques Lacourt

Leave a Comment

Leave a comment